Tư duy chọn lọc thông tin & phát triển nội dung khi viết CV
Đây là câu hỏi để nhà tuyển dụng đánh giá sâu hơn về con người cũng như kỳ vọng của bạn với vị trí sắp tới. Câu trả lời của Q3 cũng thường được viết trong cover letter.
Khi viết CV, điều quan trọng không phải khoe thứ hay ho ra hết, bởi không phải ai cũng có profile hoành tráng hay kinh nghiệm khủng. Quan trọng là bạn biết chọn lọc thông tin, phát triển thông tin đó và truyền tải đúng cách tới người đọc là nhà tuyển dụng.
Điều cốt lõi nhất
Những điều định chia sẻ trong bài viết này, chỉ gói gọn trong 1 câu hỏi lớn – câu hỏi “Tại sao”.
Câu hỏi “tại sao” là câu hỏi huyền thoại nhất, là câu hỏi điển hình cho mọi vấn đề và trong trường hợp chúng ta đang bàn là viết CV/ cover letter. Quá trình viết CV là mong muốn truyền tải thông tin tới nhà tuyển dụng, nhằm trả lời câu hỏi “tại sao bạn nên tuyển tôi”. Bạn cần đưa ra lý do vì sao họ nên chọn bạn, đi kèm những bằng chứng nhằm hỗ trợ cho lý do vừa nêu, tăng sức thuyết phục cho lý do.
Ví dụ: Tại sao hút thuốc lá không tốt?
Bởi vì hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ cho chính người hút và cho người xung quanh (lý do), bằng chứng là các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra nhiều kết luận rằng hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ (bằng chứng)
Tôi sẽ đi qua từng câu hỏi “Tại sao” khi bạn tư duy để chuẩn bị bản CV của mình. Qua mỗi bước, các bạn sẽ có thêm kinh nghiệm hoặc lưu ý để biết chọn lọc hoặc viết ra những thông tin cần thiết nhất.
******
Tại sao lại phải viết CV (và cover letter)
Bạn viết CV & cover letter là nhằm apply cho một vị trí nào đó: apply vào câu lạc bộ, vào tổ chức tình nguyện, vào vị trí intern, đi làm… Thông qua CV, bạn muốn chứng minh cho nhà tuyển dụng rằng bạn xứng đáng và phù hợp với vị trí đang tuyển, từ đó nhà tuyển dụng sẽ liên hệ với bạn. Để chứng minh được điều trên, bạn sẽ cần trả lời được những câu hỏi sau trong CV và cả Cover letter của mình
Q1) Bạn hiểu vị trí bạn đang muốn đạt được là gì? Công việc đó là làm những gì? Yêu cầu của nó là gì? (cực kỳ nhấn mạnh từ khoá “bạn hiểu”).
*** Câu trả lời của Q1 thường sẽ viết trong cover letter (Tôi được biết quý công ty đang tìm kiếm….) và thể hiện xuyên suốt trong bản CV
Q2) Tại sao bạn xứng đáng được nhận vị trí này?
***Đây là câu hỏi quan trọng nhất mà bạn muốn thể hiện cho nhà tuyển dụng. Bạn sẽ phải chứng minh bằng việc nêu ra những bằng chứng phù hợp, chứng tỏ bạn có khả năng làm tốt vị trí đó, hoặc chí ít là có tiềm năng để làm tốt vị trí trong tương lai. Thực ra những bằng chứng đó không hề xa lạ, đó là kinh nghiệm trước đây, kỹ năng, phẩm chất của bạn.
Q3) Tại sao bạn muốn làm vị trí này?
*** Đây là câu hỏi để nhà tuyển dụng đánh giá sâu hơn về con người cũng như kỳ vọng của bạn với vị trí sắp tới. Câu trả lời của Q3 cũng thường được viết trong cover letter.
Bằng chứng phù hợp là như thế nào?
Mọi công việc đều có những yêu cầu năng lực cụ thể nhằm đảm bảo tuyển được đúng người vào đúng việc. Yêu cầu năng lực có thể “tạm” chia làm 3 yếu tố: kinh nghiệm, kỹ năng và phẩm chất.
Đây chính là những thông tin thường được viết ra trên CV nhất, bởi vì đây 3 nguồn bằng chứng để giúp trả lời cho 3 câu hỏi Q1, Q2 và Q3 vừa nêu ở trên (đặc biệt cho Q2 – tại sao tôi xứng đáng).
+ Kinh nghiệm liên quan: những công việc bạn từng làm trước đây đã cho bạn kinh nghiệm gì để có thể làm tốt công việc sắp tới. Ai cũng biết đây là nguồn thông tin quan trọng nhất mà bạn cần nghiên cứu mỗi khi viết CV, hoặc thậm chí đi phỏng vấn, bởi vì kinh nghiệm thực tế quý hơn vạn lần kiến thức sách vở. Có kinh nghiệm liên quan thì tốt, vậy với những trường hợp chưa đi làm, hoặc làm các công việc không liên quan, thì phải làm sao? Cứ đọc tiếp đã.
+ Kỹ năng liên quan: những kỹ năng hiện tại bạn đang sở hữu (thông qua công việc trước đó, hoặc đi học đâu đó về…) có kỹ năng vào có ích cho công việc sắp tới hay không? Kỹ năng có thể là kỹ năng cứng (lập trình, thiết kế) hoặc kỹ năng mềm (khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo). Lưu ý: kỹ năng chỉ có được thông qua học tập hoặc làm việc, thường thì kỹ năng thông qua làm việc sẽ “thật” hơn là kỹ năng đi học đâu đó về. Do đó nếu bạn chưa từng đi làm mà chém là có kỹ năng này kỹ năng kia, thì đừng có trách trời vì sao mình bị loại.
+ Tính cách, phẩm chất liên quan: Bạn có tính cách/ phẩm chất tốt nào sẽ có ích trong công việc sắp tới. Thường với những công việc đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm, tính cách/ phẩm chất sẽ không cần thiết phải nêu ra trong CV nữa. Với những vị trí dành cho “freshman”, ví dụ thực tập sinh, hoặc đơn giản hơn là tham gia các chương trình sinh viên, các clb trong trường đại học, thì đây là một yếu tố cần lưu ý. Nói chung tùy hoàn cảnh mà có nên đầu tư cho mục này hay không.
Để trả lời Q2 – chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn xứng đáng được nhận công việc sắp tới – việc bạn cần làm là kể ra bằng chứng: kinh nghiệm cũ bạn đã từng làm, kỹ năng bạn có, hoặc lấy từ tính cách/ phẩm chất bạn sở hữu.
Ví dụ 1: Công ty A tuyển vị trí nhân viên truyền thông.
Bạn đọc và hiểu rằng vị trí này cần kỹ năng và kinh nghiệm làm truyền thông – trả lời được Q1 – “bạn hiểu gì về công việc”. Trước đây bạn hoạt động trong ban truyền thông của CLB tại trường X, tức là trong kinh nghiệm của bạn đã từng có những đầu việc “liên quan” đến truyền thông (dù ít và lêu hêu), trong kỹ năng của bạn có những kỹ năng liên quan đến truyền thông (dù gà tồ). Kết luận: tôi (phần nào đó) xứng đáng có được vị trí này vì tôi đã từng có kinh nghiệm & kỹ năng phù hợp (dù rất ít) – trả lời được câu Q2.
Nhưng nếu giả dụ vị trí này cạnh tranh, bạn sẽ cần trả lời câu Q3 – vì sao bạn muốn công việc này. Giữa 1 người thể hiện rằng mình muốn theo đuổi truyền thông lâu dài và sẵn sàng nhận thực tập không lương, với 1 người chỉ muốn được làm tại công ty A do cty A danh tiếng tốt, thì bạn sẽ biết họ chọn ai rồi đấy.
Thế nếu tôi không hề có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm ít, hoặc kinh nghiệm không liên quan???
Đây là trường hợp thường gặp nhất: bạn chả có kinh nghiệm hoặc kỹ năng gì liên quan đến truyền thông (thậm chí còn chưa từng hoạt động cho CLB nào hết), nhưng vẫn muốn ứng tuyển làm thực tập sinh truyền thông cho công ty A. Vậy giờ phải làm sao?
Câu trả lời: như đã nói ở trên, có tận 3 câu hỏi bạn phải trả lời (Q1, Q2 và Q3) để thuyết phục nhà tuyển dụng. Với mỗi vị trí khác nhau, mỗi nhà tuyển dụng khác nhau, lại thì độ quan trọng của 3 câu trên sẽ khác nhau. Ví dụ với những trường hợp tuyển thực tập sinh, nhà tuyển dụng sẽ đánh gía cao ai hiểu công việc (Q1) và thực sự muốn gắn bó với công việc hoặc công ty này (Q3) ngang với những ai làm được việc (Q2) – thậm chí là hơn, với những công ty khởi nghiệp cần tìm người dám làm hơn người giỏi.
Dù trong hoàn cảnh nào, vẫn phải trả lời câu Q2 (Vì sao bạn xứng đáng). Một vài cách phát triển nội dung có thể là:
Nếu kinh nghiệm trước đây bạn đã làm không liên quan hoặc không ứng dụng được cho công việc mới (truyền thông) thì bạn vẫn phải nêu, để chí ít chứng minh là mình “đã từng đi làm và có kinh nghiệm thực tế”. Giữa 1 người có đi làm (làm gì chưa cần biết) và người chưa từng đi làm, cơ hội là khác nhau trông thấy.
Kinh nghiệm không được thì xoay sang kỹ năng. Bạn nghiên cứu xem những kỹ năng có được từ những công việc cũ có cái nào liên quan hoặc có ích tới truyền thông hay không? Ví dụ trước đây làm event thì có kỹ năng lên kế hoạch và quản lý event – đây là 1 phần liên quan tới truyền thông. Hoặc trước chỉ làm R&D cho công ty kỹ thuật >> có kỹ năng phân tích & nghiên cứu >> bổ trợ tốt cho công việc truyền thông sắp tới. Việc bạn đang làm không phải là vớt vát, mà là đang chứng minh luận điểm: “Tôi có khả năng học hỏi, tôi biết tôi đang có kỹ năng gì và tôi còn thiếu kỹ năng gì cho công việc sắp tới”. Lưu ý là cái kỹ năng này có thể được viết trong mục “kỹ năng”, hoặc lồng ghép trong phần “kinh nghiệm làm việc” nhé.
Còn nếu xui hơn nữa là bạn tìm mãi không thấy kỹ năng nào phù hợp hoặc liên quan, thì chuyển qua phẩm chất. Nhưng trước khi chuyển qua phẩm chất, bạn vẫn phải cố gắng nêu ra những thành tích bạn có được với công việc cũ. Ví dụ trước đây bạn làm kế toán, và thành tích của bạn là xây dựng được toàn bộ hệ thống giấy tờ sổ sách cho công ty cũ, thì cứ khoe ra. Việc này ko phải là khoe, mà là bạn đang muốn thể hiện rằng: “tôi trước đây là người làm được việc, bởi vì tôi đã từng có thành tích nhất định với công việc cũ”. Điều này giúp nhà tuyển dụng phần nào có niềm tin rằng bạn “có thể” làm được một công việc hoàn toàn mới. Nhưng cũng chỉ là phần nào mà thôi…
Đối với phẩm chất/ tính cách: lúc này, bạn phân tích xem những phẩm chất/ tính cách gì của mình sẽ giúp bạn làm tốt công việc sắp tới. Trong trường hợp bạn không có kinh nghiệm, thì “ham học hỏi” hoặc “học hỏi nhanh” sẽ là một phẩm chất tốt. Bạn phải nêu phẩm chất trong CV và cả trong cover letter. Có thể phần này ít được coi trọng khi nhà tuyển dụng duyệt hồ sơ, đặc biệt với những công việc đòi hỏi kinh nghiệm nhất định. Nhưng mà đã ko có gì trong tay, thì vớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Đây là xong câu Q2. Còn để trả lời câu Q1 và Q3, xin mời đọc tiếp đoạn tiếp theo.
Trường hợp chuối nhất: bạn chưa từng có kinh nghiệm đi làm ở bất kỳ nơi đâu, hoặc công việc là mới lạ hoàn toàn.
Lúc đó bạn nên xác định lại kỳ vọng của mình, và xác định lại cả kỳ vọng từ phía người tuyển dụng. Giả dụ công ty A tuyển vị trí marketing 3 năm kinh nghiệm, mà bạn với kinh nghiệm làm kế toán 2 năm trước đó, muốn apply, thì có 2 khả năng
+ TH1: Bạn cứ xác định là trượt 100%, trừ khi…
+ TH2: bạn biết mình biết ta. Trong CV và cover letter, bạn hạ kỳ vọng của mình xuống, là muốn được bắt đầu ở vị trí thực tập sinh cho công việc marketing. Thuyết phục nhà tuyển dụng đồng ý nhận bạn với vai trò thực tập (kể cả không lương), chứng tỏ vì sao bạn xứng đáng hơn những người khác với vai trò thực tập, thuyết phục nhà tuyển dụng vì sao nên đầu tư 3 tháng dạy dỗ bạn thay vì tuyển 1 người trẻ hơn hoặc có kinh nghiệm hơn bạn. Những câu từ thuyết phục này nên thể hiện qua cover letter. Khi đó CV là nơi bạn thể hiện bạn có khả năng học hỏi & có khả năng tạo thành tích.
Với trường hợp mà bạn đã muốn apply cho 1 công việc hoàn toàn khó nhau hoặc không phù hợp với bạn, thì bạn phải tự nhìn lại xem “lý do tại sao” bạn lại quyết tâm muốn có công việc đấy đến vậy? (Câu Q3)Vì bạn muốn tìm công việc mới? Vì công ty đó phúc lợi tốt? Hay đơn giản muốn thử khả năng….
Trong trường hợp này, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào việc bạn hiểu công việc bạn đang apply đến đâu (Q1) và lý do bạn muốn apply (Q3). Tuỳ vào lý do của bạn mà bạn tự tìm cách “thoả hiệp” với nhà tuyển dụng để bạn được nhận công việc đó. Bạn là phải chứng minh cho nhà tuyển dụng 3 điều sau: “bạn hiểu công việc đó là gì” + “tôi thừa nhận tôi không có chút kinh nghiệm gì cho công việc đó cả” + “nhưng tôi vẫn quyết tâm muốn ứng tuyển bởi vì (abc xyz gì đó)”. Tôi tin các nhà tuyển dụng ít nhiều họ đều có tâm, và họ sẽ sẵng sàng lắng nghe nguyện vọng của bạn. Do đó hãy đầu tư vào câu Q3 nghe sao cho thật thuyết phục hoặc “mùi mẫn”.
******
Vậy tiêu chí đánh giá cho nội dung CV tốt là gì
Có một vài tiêu chí đánh giá, đi tuần tự như sau. Ví dụ có 1 toà soạn đang tuyển nhà báo.
+ Đúng: thông tin bạn đưa vào CV có đúng với những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ko?Ví dụ toà soạn đang tuyển phóng viên, bạn là dân nghiên cứu khoa học nhưng có 2 năm viết báo tự do >> Chuẩn mnr.
+ Hợp lý: thông tin của bạn đưa vào mặc dù chưa đúng những gì nhà tuyển dụng cần, nhưng bù lại là nó vẫn có sự liên quan nhất định tới tiêu chí mà nhà tuyển dụng tìm kiếm. Ví dụ: toà soạn tuyển phóng viên. Bạn đang là sinh viên ngành xxx nhưng trước đây là chuyên văn, hoặc bạn là copywriter cho 1 agency, hoặc bạn thích viết blog và blog của bạn có nhiều follower, hoặc đơn giản là bạn thích viết và muốn có cơ hội thử sức…tóm lại miễn bạn nói làm sao để thông tin bạn đưa vào nghe nó “hợp lý” và “liên quan” tới vị trí nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, là ok.
+ Thuyết phục: Cuối cùng ăn nhau vẫn là ở sự thuyết phục. Kể cả bạn đưa thông tin có đúng cái họ cần. Ví dụ bạn có 2 năm kinh nghiệm làm báo tự do thật, nhưng trong phần kinh nghiệm bạn không ghi thành tích mình đạt được, không ghi mục tiêu nghề nghiệp trong cover letter, không ghi kỳ vọng bản thân…thì cũng ko ai tin là bạn muốn làm việc này lâu dài. Hoặc bạn chưa từng làm báo, nhưng trong CV bạn thể hiện là bạn yêu viết lách bằng việc tự viết blog trong suốt 2 năm, rồi trong cover letter thể hiện tâm tư nguyện vọng được làm báo lâu dài…nghe thuyết phục hơn hẳn.
******
Nội dung vẫn là nhất.
Thực ra viết CV với cover letter, trình bày hay thiết kế nó không quan trọng bằng việc thông tin bên trong “đắt giá” đến như thế nào, “hợp lý” ra làm sao và “thuyết phục đến mức nào mà thôi. Bản CV làm bằng word, chỉ cần có chút kỹ thuật để phân cấp thông tin cho hiệu quả, giúp người đọc không bị rối mắt, là được.
Leave a Reply